Đặc điểm Lợn_Kiềng_Sắt

Lợn Kiềng Sắt có đặc điểm ngoại hình nổi bật là lông đen tuyền toàn thân, chân ngắn và nhỏ, thân ngắn và thon. Ưu điểm chính của lợn Kiềng Sắt là khả năng thích nghi cao với môi trường, tính chống chịu bệnh tốt, sử dụng được các loại thức ăn thô, nghèo chất dinh dưỡng, chi phí đầu tư nuôi thấp, chất lượng thịt thơm ngon. Nhược điểm lớn của các giống lợn bản địa này là tầm vóc nhỏ, năng suất thấp, khả năng sinh trưởng không cao so với các giống lợn ngoại nhập[4] Dù nổi tiếng với thịt thơm ngon và từng được nuôi phổ biến ở các vùng miền núi trong tỉnh Quảng Ngãi, thế nhưng muốn tìm mua được lợn Kiềng Sắt thì phải đi bộ vào tận các bản làng vùng sâu thì mới có.

Ngoại hình

Giống lợn này có các đặc điểm ngoại hình cơ bản như lông đen tuyền toàn thân, da đen, mặt thẳng, mõm khá dài, chân thẳng, thân ngắn và thon, tai nhỏ vừa và thẳng vểnh lên trên. Chúng không có bộ lông dài, nanh nhọn và hung hăng như lợn rừng, hay da bóng và dạn dĩ như lợn nhà mà giống lợn kiềng sắt có nhiều đặc điểm khác biệt, với da màu sậm, lông thưa, mõm dài và nhọn, lưng thẳng, tai vểnh. Lợn Kiềng Sắt rất dễ nhận dạng như lông đen tuyền toàn thân từ khi đẻ ra cho đến lúc trưởng thành, da đen và mỏng, mặt thẳng, mõm khá dài và hơi nhọn, tai nhỏ vểnh thẳng lên trên, lưng thẳng, bụng thon[6] Mõm dài, tai vểnh, lưng thẳng là những đặc điểm để phân biệt giống lợn này với đồng loại[2]. Chúng có tầm vóc nhỏ, trọng lượng lợn kiềng sắt trưởng thành đạt từ 20–30 kg/con.

Thịt lợn

Giống lợn này chất lượng thịt thơm ngon, ít béo mỡ nên không gây ngán. Tỉ lệ nạc/thịt xẻ đạt 43%; khả năng giữ nước của thịt lợn Kiềng Sắt sau 24 giờ là 96%; không có dấu vết của hiện tượng tồn dư tetracylin, furazolidonclenbuterol; chất lượng thịt mỡ tốt. Tỉ lệ stearic axit đạt 12%, palmitic axit đạt 20% và linoleic axit đạt 24,8% trong mỡ lợn. Chỉ số iod của mỡ đạt 64%. Đối với lợn lai, tỉ lệ stearic axit đạt 13%, palmitic axit đạt 25% và linoleic axit đạt 21%. Chỉ số iod của mỡ là 63% thấp hơn so với lợn Kiềng Sắt[7].

Ngoài chất lượng thịt ngon thì giống lợn Kiềng Sắt còn có bộ gene rất tốt, đặc biệt là gene chịu nhiệt, gene kháng bệnh, do đó nó có thể sống trong đầm lầy[1]. Xác định được đa hình gene Leptin ở lợn Kiềng Sắt. Trong 9 mẫu DNA, tần số kiểu gene AA chiếm tỉ lệ cao nhất (77,7%), kiểu gene GA và GG chiếm tỉ lệ thấp (11%), kết quả phân tích đa hình gene PSS cũng chỉ ra rằng, hầu hết các mẫu nghiên cứu đều có kiểu gene đồng hợp tử NN, chỉ có một mẫu có kiểu gene dị hợp tử Nn là dữ liệu quan trọng trong công tác phát triển giống lợn Kiềng Sắt theo định hướng cho chất lượng thịt cao[7].

Tập tính

Chúng đặc biệt là rất nhát, dù quen hay lạ nhưng thấy người là bỏ chạy đi chỗ khác, kể cả khi đã được đưa về nuôi khá lâu. Chúng còn lưu lại những tập tính của tổ tiên là lợn rừng là thích tắm và cần không gian rộng. Là loại lợn bản địa, với thức ăn chủ yếu là rau, củ và thường xuyên di chuyển nên thời gian nuôi của lợn kiềng sắt từ khi nhỏ đến lúc xuất chuồng từ 10-12 tháng, lâu hơn so với lợn nuôi thông thường từ 2-3 tháng. Nhìn chung, chúng có những đặc điểm quý là hả năng thích nghi cao, khả năng chống chịu bệnh tốt, sử dụng tốt các loại thức ăn thô, nghèo dinh dưỡng phù hợp với điều kiện chăm sóc của người dân địa phương, chi phí đầu tư nuôi thấp, chất lượng thịt thơm ngon[4].

Sinh sản

Lợn nái Kiềng Sắt động dục lần đầu ở giai đoạn 146 ngày tuổi, trọng lượng cơ thể khi động dục lần đầu là 9,77 kg. Chu kỳ động dục của nái Kiềng Sắt là 21 ngày và kéo dài trong 4 ngày. Khi động dục lợn nái Kiềng Sắt thường có biểu hiện không rõ ràng và yên tĩnh hơn so với một số giống lợn khác. Mỗi năm lợn nái Kiềng Sắt đẻ khoảng 2 lứa. Số con đẻ ra trên lứa tăng dần từ lứa 1 đến lứa 3 (từ 4-9 con). Trọng lượng lợn sơ sinh trung bình 408g/con. Tỉ lệ lợn sơ sinh còn sống lúc 1 ngày tuổi bằng 95% so với số lợn con mới đẻ. Sau 3 tháng tuổi, lợn đạt trọng lượng trung bình 4 kg, 7 tháng tuổi là 14 kg, 11 tháng tuổi là 30 kg. Tiêu tốn thức ăn tinh của lợn Kiềng Sắt trung bình ở giai đoạn thí nghiệm là 4 kg TĂT/kg

Một nghiên cứu cho thấy, trên tổng số 15 con lợn cái và ba con lợn đực Kiềng Sắt được bố trí trên 3 trang trại thí nghiệm, trong đó mỗi trại có 5 lợn cái và 1 lợn đực. Lợn nái Kiềng Sắt được theo dõi các chỉ tiêu sinh sản qua 3 lứa đẻ (lứa 1-3). Kết quả cho thấy lợn nái Kiềng Sắt có tuổi động dục lần đầu ở 146,87 ngày tuổi. Trọng lượng cơ thể khi động dục lần đầu là 9,77 kg. Chu kỳ động dục của lợn nái Kiềng Sắt là 21,07 ngày, thời gian kéo dài động dục trung bình là 4,84 ngày. Khi động dục lợn nái thường có biểu hiện không rõ ràng và yên tĩnh hơn so với một số giống lợn khác. Mỗi năm lợn nái Kiềng Sắt đẻ khoảng 1,96 lứa. Số con đẻ ra trên lứa tăng dần từ lứa 1 đến lứa 3. Trọng lượng sơ sinh trung bình là 408,15g/con và không có sự sai khác có ý nghĩa thống kê giữa các lứa đẻ. Tỷ lệ lợn con sơ sinh sau 24 giờ khoảng 95,63%. Tỷ lệ con cai sữa so với thời điểm 24 giờ sau khi sinh đạt 100%. Trọng lượng lợn con khi cai sữa ở 59,73 ngày tuổi là 3,76 kg/con[8].

Lợn Kiềng Sắt rất phù hợp trong điều kiện nuôi thả ở vùng đồi núi. Tuy nhiên, hiện nay số lượng lợn Kiềng Sắt thuần chỉ còn lại rất ít, phân bố rất rải rác ở những vùng xa xôi hẻo lánh của các huyện miền núi như Ba Tơ, Tây Trà, Sơn Tây. Đến nay, tìm được lợn Kiềng sắt thuần chủng là điều rất khó khăn, tốn rất nhiều thời gian và công sức. Ở những vùng giao thông tương đối thuận tiện, sự giao lưu mua bán khá phát triển thì rất khó có thể tìm thấy lợn Kiềng Sắt thuần. Ở những vùng này, giống lợn Kiềng Sắt đã lai với các giống lợn khác, đặc biệt là lợn Móng Cái được du nhập từ những vùng khác đến. Sự du nhập của các giống lợn khác đã tạo ra con lai với lợn Kiềng Sắt với các mức độ khác nhau[1].

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lợn_Kiềng_Sắt http://danviet.vn/nha-nong/vao-ban-sau-tim-lon-kie... http://dspace.hui.edu.vn:8080/dspace/handle/123456... http://www.thuvienso.edu.vn/bao-cao-nghien-cuu-kho... http://conganyenbai.gov.vn/CAYB/Khoa-hoc/18294/ http://luanan.nlv.gov.vn/luanan?a=d&d=TTcFlGvJGreC... http://www.quangngai.gov.vn/vi/sokhcn/Pages/qnp-ke... http://nongnghiep.vn/quang-ngai-phat-trien-giong-l... http://hoinongdanquangngai.org.vn/phat-trien-nong-... http://www.quangngaitv.vn/index.php?option=com_con... http://thanhnien.vn/doi-song/heo-kieng-sat-ga-re-q...